YÊU CẦU CHUNG VỀ THIẾT KẾ PHÒNG MỔ
 
Theo công bố của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, số phòng mổ và phòng hồi sức đạt tiêu chuẩn chỉ 7/33 phòng (chiếm 21,2%), phòng hồi sức không đạt tiêu chuẩn về vi sinh lên đến 78,8%. Như vậy, một khi đã nhiễm khuẩn bệnh viện, người bệnh sẽ có nhiều biến chứng và có thể mắc thêm nhiều bệnh khác, phải dùng nhiều loại kháng sinh sẽ dẫn đến tăng sự kháng thuốc của vi khuẩn, tăng chi phí điều trị, trường hợp xấu hơn có thể dẫn đến tử vong. Nguyên tắc thiết kế một chiều cũng là yếu tố đầu tiên và tiên quyết là phải đảm bảo sự vô trùng tuyệt đối.
 

Ở Việt Nam, tiêu chuẩn thiết kế TCXDVN 365.2007 quy định diện tích tối thiểu của phòng mổ là 36m2 và chiều cao tối thiểu là 3,1m. Ở Hoa Kỳ, phòng mổ bệnh viện đa khoa xây mới có diện tích không nhỏ hơn 37m2, chiều rộng không nhỏ hơn 6,1m, chiều cao có thể từ 2,8m – 3,6m. Khi thiết kế phòng mổ, KTS cần lưu ý hệ thống kỹ thuật của phòng mổ rất nhiều và phức tạp, trong đó hệ thống cung cấp khí sạch cho phòng mổ luôn có yêu cầu chiều cao thông thủy lớn. Vì vậy, thông số kỹ thuật tốt nhất khu vực phòng mổ, chiều cao giữa hai cốt nền phải lớn hơn 4m. Ở các bệnh viện có thiết kế nước ngoài thì khu vực trần kỹ thuật xấp xỉ 1,4m để dễ bố trí, sửa chữa bảo trì hệ thống. Nên thiết kế các phòng mổ theo hình vuông, chữ nhật để dễ dàng bố trí dây truyền công năng và trang thiết bị nội thất. Không gian phòng mổ càng ít góc cạnh chừng nào thì lại càng đảm bảo vệ sinh vô trùng chừng ấy vì các thiết bị trong phòng mổ rất nhiều: bàn mổ, máy gây mê, giúp thở và các thiết bị phụ trợ khác cho nên cần phải đủ rộng rãi để đôi lúc cần thiết thì sẽ đưa vào thêm được các thiết bị khác như C-Arm. Nguyên tắc thiết kế một chiều cần quan tâm bố trí 2 cửa cho phòng mổ: một cửa chính để đẩy băng ca và cửa phụ. Ở bốn góc của phòng mổ nên thiết kế dạng vát 45o, mục đích để bảo đảm lưu thông không khí trong phòng, tránh góc khí quẩn. Tránh tối thiểu các góc cạnh, tủ thiết bị âm tường, tạo phẫu trường rộng rãi, thuận tiện cho phẫu thuật viên.